Có gia đình trót mua bếp từ đã đôn đáo tính chuyện quay lại dùng bếp gas. Có chủ hàng tiêu dùng lo ế hàng, khó bán vì sợ giá thành sản phẩm sẽ tăng. Có chủ doanh nghiệp cơ khí phàn nàn nguy cơ phải đóng cửa vì hàng tháng sẽ bội chi thêm một khoản đáng kể... Đó là những lo lắng của người dân trước thông tin về giá điện và trăm thứ "ăn theo" từ đó.
Giảm tối đa đồ điện
Bà Thanh - một cư dân của khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) cho biết, những ngày này mọi người ở khu tập thể của bà rất quan tâm đến thông tin liên quan giá điện. “Tôi nghe tin ngành điện làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Mấy hôm sau nghe tin họ xin nhà nước tăng giá điện lên 9,5%. Hôm qua, báo chí lại thông tin khả năng giá điện tăng sau Tết... Dù giá điện tăng bao nhiêu phần trăm đi nữa thì gia đình tôi cũng phải xem lại cách sử dụng điện. Tiền điện nhà tôi mỗi tháng trung bình 600.000 đồng. Nếu giá điện tăng, sẽ mất thêm một khoản nữa. Tôi phải tính tạm thời không sử dụng một số thiết bị như bếp điện, quạt sưởi…”, bà Thanh nói.
Còn chị Nga ở phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội thì tỏ ra thất vọng khi biết tin về khả năng tăng giá điện. "Điện tăng giá sẽ khiến giá hàng hóa khác tăng theo. Trong khi đó, lương vợ chồng tôi chỉ hơn 10 triệu đồng và sắp tới còn phải lo tiền học cho 2 con. Tôi cảm thấy ngày càng mệt mỏi vì phải thu xếp tài chính trong nhà", chị Nga nói.
Cũng có cảm nhận như chị Nga, bác Tam ở khu tập thể K5, Bách Khoa, Hà Hội cho biết mọi khoản chi trong gia đình đang được tiết kiệm tối đa bởi chỉ trông chờ vào khoản lương hưu hơn 3 triệu đồng. “Từ tháng 7 năm ngoái tới nay, tôi nhẩm tính giá xăng giảm hơn chục lần, nhưng bó rau cũng không rẻ hơn. Chưa kịp được hưởng sự dễ thở của thị trường, tôi e nếu giá điện tăng, chi phí ngoài chợ sẽ tăng theo vùn vụt. Tính ra, giá điện có tăng đến 10%, nhà tôi cũng chỉ mất thêm 100.000 đồng, nhưng lo nhất là chi phí ăn theo sẽ tăng. Con số đó khó mà thống kê cụ thể ra được”, bác Tam nói.
Câu chuyện giá điện khiến nhiều hộ dân ngán ngẩm khi vừa tiết kiệm được một khoản nho nhỏ nhờ giá xăng giảm, thì đã sắp phải móc hầu bao ra chi thêm cho bao khoản khác nếu giá điện tăng. “6 tháng trước, nhà tôi mua bếp từ về dùng cho kinh tế và sạch sẽ. Nhưng giờ lại phải cắn răng mua lại bếp gas bởi bây giờ giá gas giảm giá mạnh, còn giá điện nghe nói sắp tăng. Chỉ tiếc mua bếp từ mất 16 triệu đồng giờ lại xếp xó”, chị Cù Thị Thúy ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết.
Lo chuyện “ăn theo”
Bác Tam, chị Thúy và bao người dân khác lo ngại nếu tăng giá điện sẻ ảnh hưởng tới ngân sách gia đình đã đành nhưng còn chưa “nặng” bằng việc một số mặt hàng khác vịn cớ “leo thang” giá. Lương người lao động thì không tăng thêm nên muốn xoay xở, nhiều gia đình buộc phải tính kế làm thêm lúc rảnh rỗi. Dù ngành điện đã nhiều lần chia sẻ việc tăng giá là không thể tránh khỏi nhưng trước việc giá xăng dầu giảm sâu và tác động của nó đến thị trường chưa thật rõ nét thì giá điện nếu tăng sẽ là cú “sốc” với người dân.
Tuy nhiên, nếu giá điện tăng, các cá nhân, gia đình lo một thì các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ lo gấp mười. Anh Hồ Lộc, chủ xưởng cơ khí ở phố Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội thở dài ngao ngán khi sắp tới phải tính lại kế hoạch kinh doanh để đối phó với nhiều khó khăn nếu giá điện tăng, bởi mỗi tháng xưởng sản xuất của anh phải chi đến hơn trăm triệu đồng tiền điện. “Giá dầu giảm, chi phí vận tải giảm nhỏ giọt, mỗi chuyến hàng của tôi đi tỉnh vẫn vậy. Giờ lại nghe chuyện giá điện, doanh nghiệp như tôi lâm vào thế bị động hoàn toàn, cứ mỗi lần nghe cái gì tăng là mình thấy oải”, anh Lộc chia sẻ.
Chủ một số quán cà phê và các dịch vụ nhỏ lẻ khác cũng bày tỏ sự lo lắng với chúng tôi trước thông tin liên quan giá điện. Một chủ quán cà phê trên đường Phan Trọng Tuệ, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, nếu giá điện tăng, họ phải tính lại giá từng cốc cà phê. “Do đặc thù nên quán toàn xài điện những giờ cao điểm, khoản chi hàng tháng cứ thế nhảy vọt nếu giá điện tăng. Điều đó khiến chúng tôi phải nâng giá bán để bù chi phí. Một số khách biết thì còn thông cảm cho chủ, còn không họ bỏ quán, chúng tôi mất khách nghĩ ra cũng đáng lo ngại", anh này nói.
Giá xăng, giá điện có tác động trực tiếp đến giá cả thị trường. Rất nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc trước việc giá cả không chịu “hạ nhiệt” khi giá xăng dầu liên tục giảm. “Các cơ quan chức năng liên tiếp lập đoàn thanh tra kiểm tra giá cả thị trường, thấy có báo cáo là giảm bao nhiêu phầm trăm đấy. Nhưng có lẽ chỉ trên giấy tờ. Giá có giảm hay không, những người nội trợ như chúng tôi là biết nhanh nhất vì ngày nào cũng phải đi chợ”, bác Tam nói.
Hà Phương
(Theo: www.boiduongvanhoa.edu.vn)