Đợt thu tiền điện tháng 8 của Tổng công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục khiến người tiêu dùng phải hoài nghi vì tiền điện tăng cao vọt. Hàng trăm câu hỏi nhằm làm rõ câu chuyện tiền điện tăng cao. Trong số đó có việc tại sao trời mưa mát, dân dùng điện ít nhưng hóa đơn vẫn “tăng xông bốc hỏa” một cách bất thường?

Cả tổ dân phố “sục sôi” vì hóa đơn điện
Ba tháng sau ngày người dùng điện Hà Nội đồng loạt lên tiếng kêu than do hóa đơn điện tăng cao, tình trạng này lại tái diễn. Phần lớn hộ tiêu dùng điện ở Hà Nội khi được tham khảo đều bức xúc. Anh T. Linh, tổ dân phố Lộc, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết, cả tổ dân phố này đang bức xúc vì hóa đơn tiền điện tháng 8 bỗng nhiên tăng cao. Số tiền mà các hộ dân phải thanh toán tăng cao vọt so với tháng trước đó. “Vào cao điểm nắng nóng tháng 6, tháng 7 vừa qua, gia đình tôi cũng chỉ dùng đến 1,4 triệu đồng tiền điện/tháng. Vậy mà tháng này tăng vọt lên thành 1,9 triệu đồng. Điều vô lý là vẫn ngần ấy thiết bị tiêu thụ điện, sang tháng 8 trời mát hơn, thời gian dùng điều hòa giảm hẳn chứ không “cày” cả đêm như tháng 7 mà tiền điện phải thanh toán tăng cao thì quá vô lý” – anh T. Linh nói.
Người dùng điện trên địa bàn do Công ty điện lực Nam Từ Liêm quản lý, vận hành, cung cấp cũng rơi vào hoàn cảnh số điện tăng vọt trong tháng 8 vừa qua. Theo phản ánh của hộ anh Tân (Trần Bình, Hà Nội) cho thấy, nếu như tháng trước, nhà anh chỉ dùng hết 53kWh điện thì tháng 8 chỉ số đồng hồ tăng vọt thêm 100kWh điện. Kéo theo đó, số tiền phải trả trong tháng 8 cũng tăng vọt lên trên 1 triệu đồng so với con số hơn 750.000 đồng của tháng 7.
“Không hiểu Điện lực Nam Từ Liêm tính kiểu gì hay thiết bị đo có vấn đề khiến chỉ số công tơ điện và số tiền thanh toán của tháng này tăng cao đột biến đến vậy. Tình trạng này, không chỉ xảy ra ở hộ nhà tôi mà gần như toàn bộ các gia đình trong chung cư này đều bị đội tiền điện tháng 8 so với tháng trước. Tháng trước con cái nghỉ học ở nhà cả ngày, điều hòa, quạt, đèn bật đều nhưng tiền điện lại ít hơn tháng con đi học, cả nhà đi làm. Điện lực Nam Từ Liêm cần có trả lời xác đáng với các hộ dân có chỉ số công tơ và số tiền phải thanh toán tăng cao đột biến” – anh Tân nói.
Phản ánh có đòi lại được tiền?
Mặc dù bức xúc khi hóa đơn tiền điện tháng 8 tăng cao bất thường và khó có cơ sở để lý giải nhưng không ít hộ dân cho rằng, phản ánh, kêu than liệu có lấy được lại tiền? Một hộ dân dùng điện ở quận Đống Đa cho biết, tháng này hóa đơn tiền điện nhà chị tăng cao hơn so với tháng trước 200.000 đồng. Cũng như các hộ dùng điện nêu trên, hộ nhà chị cùng chung băn khoăn là tại sao tháng 8 mát trời hơn cao điểm nắng nóng của tháng 6, tháng 7 mà hóa đơn tiền điện lại tăng cao? Phản ánh về sự việc song người phụ nữ này cho rằng, sự bất hợp lý này có được giải quyết và người dân có lấy được lại số tiền tăng cao bất thường?
Điện lực Hà Nội đang đối diện với sự phản ứng mạnh từ cư dân với việc tiền điện tăng bất thường. Đầu tháng 9, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đưa ra quy định mới về trả lời thắc mắc của khách hàng dùng điện. Theo đó, các đơn vị cung ứng điện phải trả lời thắc mắc của khách hàng trong vòng 24h từ lúc nhận được thông tin. Quy định này nằm trong quyết định số 832/QĐ-EVN. Quyết định nêu rõ việc: Đảm bảo quyền giám sát công tác ghi chỉ số công tơ điện của khách hàng. Đối với việc ghi chỉ số công tơ tại vị trí lắp đặt, khách hàng sử dụng điện có thể lựa chọn hình thức trực tiếp giám sát việc ghi chỉ số công tơ, hoặc hình thức gián tiếp, theo đó, khách hàng có thể thông qua người đại diện như tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, đại diện dân cư hoặc tổ chức, cá nhân được khách hàng sử dụng điện ủy quyền. Mọi thắc mắc của khách hàng về công tác ghi chỉ số phải được giải quyết nhanh chóng trong vòng 24h.
Theo quy định, các Công ty Điện lực phải đảm bảo về quyền giám sát của khách hàng sử dụng điện đối với công tác ghi chỉ số công tơ điện. Đối với việc ghi chỉ số công tơ từ xa, đơn vị điện lực thông báo kết quả ghi chỉ số công tơ cho khách hàng sử dụng điện trong vòng 1 ngày làm việc kể từ thời điểm ghi chỉ số để khách hàng đối chiếu và giám sát. Các hình thức giám sát, thông báo kết quả ghi chỉ số công tơ được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Cấm thỏa thuận với khách hàng khi có sai sót
Việc thông báo chỉ số công tơ cho khách hàng, đơn vị có thể áp dụng nhưng không hạn chế các hình thức: Giấy thông báo, website, email, SMS... Khi phát hiện sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ, phải thực hiện thoái hoàn/truy thu với khách hàng theo quy định, nghiêm cấm việc tự thỏa thuận với khách hàng.
(Quyết định số 832/QĐ-EVN)
Minh Anh
(Theo: www.boiduongvanhoa.edu.vn)