Say nắng khiến cơ thể bạn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Nếu không được cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bạn có thể bổ sung cho cơ thể những thức uống dưới đây để đề phòng say nắng theo tư vấn của TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

1. Nước cam, chanh, xoài
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, các loại hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, xoài…là thức uống rất tốt trong mùa hè, giúp cơ thể tăng hệ miễn dịch, phòng chống say nắng hiệu quả bằng cách làm sinh tố uống. Ban cũng có thể ăn xoài ướp chút muối trước khi ra nắng khoảng 20 phút.
2. Nước dừa
Nước dừa rất giàu clorua, kali, magie, vitamin A, E, đồng thời chứa một lượng muối, đường, protein hợp lý nên rất hữu hiệu trong việc thay thế nước điện giải khi bị tiêu chảy, làm việc trong nhiệt độ cao, tập thể thao mất sức… Trong nước dừa chứa các thành phần có khả năng kháng khuẩn, vi trùng, virus, nấm những bệnh có thể gặp trong mùa nóng hoặc thay đổi nhiệt độ từ ẩm (trong điều hòa) ra nhiệt độ ngoài trời hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước dừa. Uống nước dừa quá nhiều sẽ bị một số phản ứng như ớn lạnh, đầy bụng. Vì vậy, mỗi ngày chỉ nên uống 1 – 2 cốc nước dừa và dùng dừa non là tốt nhất. Nước dừa không chứa chất béo và cholesterol, giúp phòng các bệnh huyết áp, tim mạch…
3. Nước dưa hấu
Dưa hấu không những ngon, ngọt dễ ăn mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng nước khá lớn và không ít các vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng như Fe, Ca, Mg... Dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi thủy, dùng cho các trường hợp say nắng, say nóng gây sốt nóng mất nước, thần kinh kích ứng, miệng khô, họng khát, tiểu ít, đái buốt, đái dắt. Vỏ quả thanh giải nóng nực, lợi niệu. Hạt dưa hấu có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng sinh lực.
4. Trà xanh
Điều kỳ diệu nằm trong những chiếc lá trà xanh chính là hàm lượng Epigallocatechin Gallate (EGCG), là chất chống ôxy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao và làm mát da, lọc bỏ độc tố trên da, làm sáng, mịn da. Thời tiết nóng, uống trà vừa tốt cho sức khỏe, vừa đã khát, giải nhiệt.
Ngoài ra, những chất có trong lá chè tươi hoặc đã phơi khô được chế biến thành nước uống có khả năng kích thích tế bào sản sinh ra nhiều interfeon trong máu. Nó còn có tác dụng đề phòng các bệnh do virus. Hợp chất tự nhiên của thảo mộc trong chè có thể phòng ngừa tăng cholesterol máu, không cho máu đông làm nghẽn mạch. Nếu hấp thu các hợp chất này đều đặn với số lượng lớn sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu bạn có chỉ số cholesterol trong máu cao thì càng nên uống chè xanh. Mỗi ngày uống 4 - 5 tách trà khoảng (800 - 1.000ml) là có thể giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch...
Hiện nay do e ngại về việc phun thuốc trừ sâu trong lá chè nên nhiều gia đình đã sử dụng nấu chè thay vì hãm chè. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến chè đắng, chát hơn hãm chè. Bởi vì khi nấu, chất nhu toan vị chát của lá chè xanh dưới tác dụng của nhiệt độ cao sẽ tan ra nhiều khiến chè đắng và chát hơn chè hãm.
5. Sắn dây
Sắn dây giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp.
6. Rau má
Rau má có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, giãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu. Ngày dùng 30 - 50g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.
Nhận biết say nắng
Nếu bạn phải di chuyển khi trời nắng gắt hoặc phải làm việc ngoài trời, đặc biệt là buổi trưa thì rất có nguy cơ bị say nắng. Biểu hiện của say nắng gồm: Chóng mặt; buồn nôn; mất phương hướng; ảo giác; co giật; hôn mê.
Cách cứu chữa người bị say nắng, say nóng:
- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí.
- Cởi bỏ quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người, sử dụng quạt tốc độ lớn. Bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.
Các biện pháp khác gồm: Sử dụng khăn ướt lạnh, đắp nách, bẹn, khuỷu, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay vào nước mát. Cho uống nước đường nhạt pha thêm ít muối. Nếu sau 1 giờ, thân nhiệt xuống tới 39oC là đạt hiệu quả, sau đó tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tại cơ sở y tế để được khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
BS Minh Hương (Trung tâm Tư vấn sức khỏe Minh Hương)
Phương Thảo/Báo Gia đình & Xã hội
(Theo: www.boiduongvanhoa.edu.vn)